"Nếu bạn mãi chưa có người yêu thì hãy lên đường đi phượt. Và người yêu mãi chưa cưới thì hãy rủ anh ấy đi xuyên Việt một chuyến. Sau chuyến đó thì một là chia tay, hai là cưới ngay", nhà văn Trang Hạ chia sẻ.
Trang Hạ là một nhà văn nhưng chị cũng là một phụ nữ cá tính, mạnh mẽ, ưa thích du lịch mạo hiểm với phương châm "Đi theo cách riêng của mình, để cảm nhận và trải nghiệm”. Dưới đây là những chia sẻ về phượt của Trang Hạ với các bạn trẻ tại talkshow "Đi như thế nào".
Một chuyến phượt hoàn hảo phải an toàn
- Để có được khởi đầu thuận lợi cho một chuyến đi phượt, cần thiết phải có những kỹ năng, kiến thức thiết yếu nào?
- Một người mới đi phượt phải chuẩn bị kiến thức và thể lực trước khi đi. Nếu bạn chỉ tìm kiếm thông tin và nghe theo chỉ dân trên mạng thì bạn có thể sập bẫy chính mình và dễ mắc phải tâm lý bầy đàn. Bạn sẽ chỉ nhìn thấy những gì mà rất nhiều người khác nhìn thấy, không có gì mới mẻ và mất đi sự chủ động của bản thân. Trang Hạ từng đọc trên mạng xã hội của một bạn trẻ nói rằng: "Con gái mà đi phượt chẳng qua chỉ là lũ ngủ qua đêm với bọn con trai không cần bao cao su".
Điều này khiến Trang Hạ cảm thấy rất tổn thương và chắc chắn đó cũng là cảm giác của nhiều bạn gái. Chính vì vậy, ngoài sự chuẩn bị tốt về vật chất, bạn cần phải vững vàng về tinh thần đề vượt qua được thị phi của mọi người. Và cuối cùng, sự chuẩn bị tốt nhất cho một chuyến đi chính là những người đồng đội của bạn.
- Trong mỗi chuyến đi, dù có chuẩn bị kỹ lưỡng đến đâu cũng vẫn có thể gặp phải những rủi ro. Có nên đánh đổi đam mê với những rủi ro không lường trước?
- Đi phượt không có nghĩa là liều mạng, nên điều đầu tiên là giữ sự an toàn cho chính mình. Nếu bạn không làm được điều đó thì bạn không có đủ tư cách để đi phượt. Nếu bạn cảm thấy đảm bảo được an toàn của bản thân trong chuyến đi, có kế hoạch đầy đủ, năng lực chủ động trước những sự cố trên đường và chứng tỏ được cho bố mẹ là con rất ổn, thì sẽ không ai ngăn cản bạn.
- Theo chị mỗi người nên làm gì để thu nhận được nhiều trải nghiệm sau mỗi chuyến đi?
- Thực ra cảm nhận thuộc về mỗi người. Có người đi về viết được cả cuốn sách, có những cảm nhận hoàn toàn chỉ là cảm xúc. Nếu không có những bức ảnh ghi lại thì những cảm nhận đó hoàn toàn rất trừu tượng. Nếu bạn hy vọng có được cái gì đó từ những chuyến đi thì Trang Hạ nghĩ là khó. Danh tiếng thì không có, mình không thể chém gió để lên mặt với ai cả. Nếu để làm đẹp cho CV của mình thì chưa chắc bởi vì mình không phải hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Thậm chí mỗi chuyến đi tiêu tốn của mình thời gian, năng lượng sống, và cả tuổi trẻ nữa. Nên cái mà mình thu nhận được là những trải nghiệm, là vượt qua những giới hạn của chính mình. Đó cũng là điều bạn có thể tự hào về bản thân.
- Một chuyến phượt hoàn hảo theo định nghĩa của chị?
- Bạn phải trở về an toàn và thu được càng nhiều trải nghiệm, kiến thức càng tốt.
‘Lấy người đi phượt, cuộc sống sẽ nhiều đau khổ…’
- Đam mê của thế hệ trước đã truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ ngày nay muốn lên đường để trải nghiệm. Nhưng có một thực tế rằng phượt đang trở thành trào lưu khi nhiều bạn trẻ lên đường chỉ để ‘đánh dấu lãnh thổ’?
- Quả thực hiện nay trong giới phượt có xu hướng đi để thu thập điểm đến. Điều này thường xảy ra ở những bạn mới bắt đầu lên đường. Trang Hạ của hơn chục năm trước cũng vậy. Tức là ban đầu, mình đi càng nhiều càng tốt, không ý thức được mình đến để thu lượm cái gì. Trang Hạ nghĩ rằng, tìm ra được một lý do chính đáng cho chuyến hành trình của mình là điều tốt đẹp nhất để bạn thoát khỏi xu hướng sưu tập điểm đến.
Nếu bạn tin vào những trải nghiệm của bản thân và tìm được lý do để lên dường thì có thể năm nào bạn cũng quay trở lại Hội An, bạn không đi Tây Tạng nhưng không hề cảm thấy mình thua kém người khác.
- Với nhiều người, đi là một cách để kiếm ra tiền, như trường hợp Huyền Chip gây xôn xao trong thời gian gần đây. Chị nghĩ sao về điều này?
- Theo Trang Hạ được biết, những người kiếm ra tiền họ không kiếm bằng đi phượt. Còn nếu đi để kiếm tiền thì ai trả tiền cho bạn? Có thể là một vài nhãn hàng quảng cáo nhưng số tiền bạn kiếm được không nhằm nhò gì. Nói đơn giản như trong một chuyến khám phá miền Bắc khoảng nửa năm trước, nhóm Trang Hạ đề nghị trả cho một diễn viên 1 triệu/ngày để tham gia cùng với mục đích có tin bài trên báo chí. Nhưng người này đã từ chối bởi vì đó là khoản thu nhập quá bèo so với những khó khăn, vất vả trên đường đi. Vì vậy Trang Hạ nghĩ đi để kiếm tiền quảng cáo là số hiếm hoi, chắc khoảng 1/86 triệu dân số Việt Nam.
- Theo chị, đi phượt sẽ giúp các bạn trẻ sống tích cực hơn?
- Khi bạn đã chinh phục thành công những chuyến đi, bạn sẽ có một thể chất khỏe mạnh, một tinh thần lành mạnh, sự kiên định cũng như khả năng thuyết phục. Xã hội càng nhiều người mạnh mẽ thì đó là một xã hội mạnh khỏe, đầy năng lượng sống. Trang Hạ cũng tin rằng mỗi chuyến đi sẽ làm cho bản thân mình tự tin hơn, bứt mình ra khỏi những thói quen nhàm chán.
Trang Hạ nghĩ là nếu bạn mãi chưa có người yêu thì hãy lên đường đi phượt. Và người yêu mãi chưa cưới thì hãy rủ anh ấy đi xuyên Việt một chuyến. Sau chuyến đó thì một là chia tay, hai là cưới ngay. Bởi vì khi mình đi là cách bộc lộ bản thân rõ ràng nhất, nhiều hơn ở những nơi chúng ta hò hẹn như quán café. Nếu muốn hiểu về người khác, hãy lên đường đi phượt với họ.
- Chị là một người phụ nữ có gia đình, chị sắp xếp công việc, cuộc sống thế nào để đi phượt, nhất là với thói quen chỉ định ngày đi chứ không định ngày về?
- Mình thường nói đùa với ông xã là có lẽ trên đời chẳng ai sung sướng như anh vì thi thoảng bỗng dưng trở thành một người đàn ông độc thân. Vợ chồng mình quan niệm rằng, ai ở ngoài xã hội không quan trọng bằng việc mình là ai sau khi bước vào cánh cửa nhà. Chỉ cần có tình cảm, có đầy đủ trách nhiệm thì mọi vướng mắc đều có thể thu xếp được. Nói cho cùng khi mình đi phượt thì cái mất nhiều nhất của người bạn đời là thời gian. Lấy một người đi phượt, cuộc sống sẽ nhiều đau khổ, vất vả nhưng cũng sẽ có những thú vị mà không ai có được.
THEO Người đưa tin
0 nhận xét: