Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2015

ĐÔI ĐIỀU VỀ MÃ PÍ LÈNG !



MÃ PÌ LÈNG - Con đường hạnh phúc, một trong "tứ đại đỉnh đèo" tại vùng núi phía Bắc Việt Nam. Con đường thi công hoàn toàn bằng sức người gian khổ nhất; vượt qua cao nguyên cao nhất; chiếm số ngày công lao động nhiều nhất; thời gian lâu nhất; và cũng bi tráng nhất (khi con đường hoàn thành, phải có một nghĩa trang riêng để tưởng nhớ những người đã ngã xuống).

- Đèo Mã Pí Lèng (còn có âm đọc là Mã Pì Lèng, Mã Pỉ Lèng, Mả Pì Lèng). Tên gọi theo tiếng Quan Thoại chỉ sống mũi con ngựa theo nghĩa đen. Nhưng theo nghĩa bóng tên gọi này chỉ sự hiểm trở bậc nhất của đỉnh núi, nơi những con ngựa cái leo lên đến đỉnh trụy thai mà chết, nơi dốc cao đến mức con ngựa đi qua phải tắt thở, hoặc đỉnh núi dựng đứng như sống mũi con ngựa.Tuy nhiên, theo một số người Hmong bản địa thì tên đúng của đèo là Máo Pì Lèng, nghĩa là "sống mũi con mèo"
- Đỉnh Mã Pí Lèng thuộc ba xã Pải Lủng, Pả Vi và Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang) trong cao nguyên đá Đồng Văn có độ cao khoảng 2000m so với mặt nước biển, được tạo nên bởi một loạt trầm tích gồm đá vôi, đá phiến ánh, đá vôi silic chứa các hóa thạch cách đây khoảng 426 triệu năm, bao gồm trong đó nhiều vết trượt và vết nứt do các hoạt động tạo núi gây ra. Cảnh quan khu vực này lởm chởm đá dựng, trong đó vực sâu sông Nho Quế như xẻ đôi một bên là đỉnh Mã Pí Lèng và một bên là Săm Pun (Sam Pun), nơi có cột mốc biên giới và cửa khẩu thông thương từ Xín Cái sang Điền Bồng, Trung Quốc. Các học giả Pháp, từ cả trăm năm trước, đã gọi đỉnh Mã Pí Lèng nói riêng và Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn nói chung là một "Tượng đài Địa chất". Đi trên đèo Mã Pí Lèng nhìn xuống vực sâu, con sông Nho Quế chỉ bé như một sợi chỉ mà muốn xuống đến mặt nước của sông phải mất hơn một ngày đường.
- Đỉnh Mã Pí Lèng, một đỉnh núi có độ cao khoảng 1.200m thuộc Cao nguyên Đồng Văn, nằm trên con đường mang tên Đường Hạnh Phúc nối liền thành phố Hà Giang, Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc. Con đường dài khoảng 20 km này được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam làm trong 6 năm (1959-1965) với trên 2 triệu lượt ngày công lao động, trong đó riêng đoạn đèo vượt Mã Pí Lèng được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng centimet để làm trong 11 tháng.
- Người Pháp đến Hà Giang từ năm 1900, họ đã từng khảo sát, từng muốn mở đường lên vùng đất này, vậy mà gần nửa thế kỷ chiếm đóng, họ vẫn không thay đổi được gì, việc tiếp tế cho các đội quân đồn trú của Pháp vẫn phải chuyển theo những con đường mòn cheo leo bằng sức người và ngựa.
- Trước những năm 1960 hơn 8 vạn người Mèo thuộc 4 huyện ở phía sau các dãy núi hùng vĩ của cao nguyên Đồng Văn không có khái niệm con đường. Bao đời họ chỉ biết vượt Mã Pí Lèng bằng cách đóng cọc treo dây trên vách đá để bò qua chín khoanh đèo hun hút, lởm chởm đá tai mèo dựng đứng. Dốc Chín Khoanh leo tới đỉnh Mã Pí Lèng còn gọi là con dốc của Giàng (Trời). Chính nơi đây từng là giang sơn nơi Vua Mèo treo người không phục mình lên cột cho đến chết và sau vua Mèo là thổ phỉ hoành hành, lấy cán bộ mở đường làm bia tập bắn.
- Nhằm mục đích giúp vùng núi tiến kịp vùng xuôi, ngày 29 tháng 03 năm 1959, sau 5 năm kể từ năm hòa bình lập lại ở miền Bắc Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Khu ủy Việt Bắc quyết định mở đường Hà Giang-Đồng Văn-Mèo Vạc. Con đường này, về sau mang tên Đường Hạnh Phúc, được khởi công vào ngày 10 tháng 9 năm 1959 với sự tham gia của hơn 1300 thanh niên xung phong cùng hơn 1.000 dân công thuộc 16 dân tộc Mèo, Tày, Dao, Pu Péo, Lô Lô v.v. của 8 tỉnh Cao Bắc Lạng (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn), Hà Tuyên Thái (Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên), Hải Hưng, Nam Định. Sau 6 năm xây dựng với 2.946.321 lượt ngày công đục khoét trên 2.899.638m3 đá mà hầu hết trong đó là lao động thủ công không có sự hỗ trợ của máy móc, con đường được hoàn thành hoàn thành vào 15 tháng 6 năm 1965.
- Khó khăn chồng chất, thiếu thốn đủ bề, nhưng với khí thế sục sôi cách mạng của tuổi trẻ, hàng ngàn người tham gia công trình có một không hai này đã không ngại gian khổ hy sinh, quyết bám núi, bám đường, lao động miệt mài nơi rừng thiêng nước độc và loạn lạc. Thời gian đã khẳng định ý chí của họ, ngày 09 tháng 09 năm 1963 con đường vươn đến thị trấn Đồng Văn. Sau hơn 4 năm, tuyến đường dài 164 km đã hoàn thành.
- Đoạn khó khăn nhất của tuyến đường chỉ có 21 km từ Đồng Văn sang Mèo Vạc lại phải mất thêm gần 2 năm lao động vất vả nữa mới hoàn thành. Đoạn đường này chính là con đèo hiểm trở Mã Pí Lèng. Để vượt bức tường đá này cần xây dựng một đường đèo men theo vách núi ở độ cao khoảng 1.600m. Tuy nhiên, khó khăn đến mức trong giai đoạn đầu nhằm mở một vỉa đường nhỏ mang tên "đường công vụ" rộng khoảng 40 cm trên vách đá (để công nhân về sau có chỗ đặt chân trên đó thi công phá đường rộng ra), 17 thanh niên trong đội cảm tử (giai đoạn này gọi là "Đội Cơ Dũng") phải treo mình bằng dây trên các vách đá ròng rã trong 11 tháng đục đẽo hoàn toàn bằng bàn tay trần và những phương tiện thủ công. Nhằm thể hiện lòng quyết tâm và tinh thần đối diện với hiểm nguy, các công nhân đã đặt tại lán của mình 10 chiếc quan tài và truy điệu sống trong từng ngày làm việc. Mỗi sáng, các thành viên “Đội Cơ dũng” hô to “quyết thắng” rồi vác choòng (xà beng 8 cạnh), búa, ít thuốc nổ, trèo lên vách núi. Treo mình giữa lưng chừng trời, họ đục vách đá nhét thuốc nổ vào rồi hô đồng đội kéo lên đỉnh núi. Ít phút sau mìn nổ, vỡ ra một miếng đá nhỏ bé.
- Trong quá trình làm đường đã rất nhiều người ngã xuống, nhưng hình ảnh xót xa nhất là: Anh Đào Ngọc Phẩm quê ở Thái Nguyên, lên Hà Giang nhập đội quân mở đường. Đang leo lên vách đá chênh vênh, khi thấy 2 bố con người Mông đi chợ bị trượt chân, anh Phẩm vươn người ra cứu. Hòn đá anh dưới chân anh bửa ra, cả người và đá mất hút dưới vực sâu. Và Anh Lương Quốc Chanh, quê ở Cao Lộc, Lạng Sơn. Làm việc trong điều kiện quá khắc nghiệt, anh mắc bệnh, nhiều người vào các bản xa xôi kiếm thuốc nhưng không cứu được người đồng đội của mình. Trước khi nhắm mắt anh Chanh khóc: “Tôi sẽ chết ở đây, tôi nằm bên vệ đường Hạnh Phúc này. Anh em phải tiếp tục phá đá. Mai đây con đường hoàn thành, anh em về lại Lạng Sơn. Liệu ai còn nhớ tôi không? Tôi sẽ nhớ mọi người lắm đấy”.- Sau khi hoàn thành, Đèo Mã Pí Lèng tuy không phải là dài nhất nhưng là con đèo hiểm trở bậc nhất ở vùng núi biên viễn phía Bắc, được ví như "vua" của các con đèo Việt Nam. Cung đường đèo ban đầu được mở chỉ đủ rộng chỗ cho người đi bộ và xe ngựa thồ, về sau được mở rộng hơn cho ô tô nhưng vẫn rất nguy hiểm vì những đoạn cua tay áo và mặt đường lổn nhổn đá hộc, hai ô tô rất khó tránh nhau. Những năm gần đây, với phương tiện máy móc hiện đại, con đường Hạnh Phúc nhiều lần được mở mang tu sửa ngày càng to rộng, dễ đi, con đèo hiểm trở Mã Pí Lèng không còn làm chết ngựa nữa mà đã trở thành di sản độc đáo về địa chất và cảnh quan. Nằm giữa cao nguyên Đồng Văn trơ trọi đá, một bên là vách núi Mã Pí Lèng cao dựng đứng và một bên là vực sâu sông Nho Quế, phía Bắc và Đông Bắc đèo trải dài trong tầm mắt là hàng ngàn quả núi đá trọc màu xám trùng trùng điệp điệp lơ thơ cây cối.

- Cung đường Mã Pí Lèng nối liền Đồng Văn và Mèo Vạc trong đó có đoạn đèo 9 khoanh dài 20 km về sau trở thành một kỳ tích mà nhiều người ví như một Vạn Lý Trường Thành của Việt Nam hay Kim Tự Tháp của người Mèo. Trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng, cũng là nơi cao nhất của Đường Hạnh Phúc, hiện có một trạm dừng chân cho du khách ngoạn cảnh và tại đây đặt một tấm bia đá ghi lại những dấu ấn trong quá trình xây dựng đường đèo.
- Ngày 16 tháng 11 năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Việt Nam) đã quyết định xếp khu vực Mã Pí Lèng là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia. Theo đó danh lam thắng cảnh Mã Pí Lèng bao gồm: đèo Mã Pí Lèng được coi là khu vực di sản đặc sắc về địa chất và cảnh quan; khu vực đỉnh đèo được đánh giá là một trong những điểm quan sát toàn cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam; hẻm vực sông Nho Quế là một trong những thung lũng kiến tạo độc nhất vô nhị ở Việt Nam
Theo Hoàng Lâm



SHARE THIS

Facebook Comment

0 nhận xét: