Ảnh minh họa
Chuyến đi của chàng sinh viên trẻ là hành trình trải nghiệm để vượt lên trên bản thân và định kiến của gia đình, nhờ sự giúp đỡ không ít từ những người xa lạ.
Nguyễn Mạnh Tùng, sinh viên năm 4 của Học viện Tài chính là một người đam mê du lịch bụi và chụp ảnh. Trước đây, Tùng đã thực hiện một vài chuyến đi rong ruổi các tỉnh miền Bắc và miền Trung cùng bạn bè để giải trí và hiểu hơn về quê hương. Sau này niềm đam mê lớn dần lên, Tùng ấp ủ có một chuyến đi dài ngày, có thể đến được nhiều nơi hơn, nhất là các tỉnh miền Nam.
Tùng đã cùng một người bạn thực hiện chuyến đi xuyên Việt kéo dài 25 ngày, từ 26/6 đến 20/7/2014, theo tuyến đường: Hà Tĩnh - Đà Nẵng - Quy Nhơn - Phú Yên - Khánh Hòa - Đà Lạt - Lâm Đồng - Sài Gòn - Cà Mau - Cần Thơ - Buôn Ma Thuột - Kon Tum - Đà Nẵng - Huế - Nghệ An.
Quá trình chuẩn bị và người bạn đồng hành
Là sinh viên với nguồn tài chính còn eo hẹp, lại chưa có kinh nghiệm du lịch bụi dài ngày, nên quyết định dành khoảng một tháng để đi xuyên Việt của Tùng không được gia đình ủng hộ. Để bố mẹ ở nhà yên tâm, Tùng chủ động rủ thêm bạn học cùng trường, chung "chí hướng" đi cùng. Cũng như Tùng, người bạn đồng hành này chưa bao giờ đi xuyên Việt, và cũng chỉ vỏn vẹn vài trăm nghìn làm lộ phí mang theo.
Nguyễn Mạnh Tùng tại đất mũi Cà Mau. |
Quá trình chuẩn bị được hai bạn tính toán cẩn thận đến từng ngày, trên từng km và từng điểm đến, sao cho chi phí thấp nhất và đi được nhiều nơi nhất. Tùng và người bạn của mình vận động các mối quan hệ, lên các diễn đàn làm quen và tìm sự giúp đỡ, để mỗi chặng đường đi qua có chỗ để ăn và ngủ nhờ. Kết quả là trong 25 ngày lang bạt, hai bạn được ngủ nhờ 21 đêm.
Những khó khăn
Lên đường chỉ với 500.000 trong tay, nên Tùng đã phải rất khó khăn để trang trải cho mọi thứ trên đường. Tùng nhớ lại: "Có lần hai đứa đi từ Cà Mau về Cần Thơ đói đến hoa mắt, vừa đi vừa nghĩ ra bao nhiêu viễn cảnh thịt gà, cơm nóng. Đến nhìn thấy cây dừa mọc bên đường cũng phải xì xào nhau xem có trộm được không để uống. Nhưng rồi cả hai không làm gì sai trái cả, vẫn phải cố bảo nhau đói cho sạch, rách cho thơm, không thể làm bừa được".
Trong cái nắng cháy đầu ngày hôm đó, quãng đường hơn 300 km mà xe của họ bị thủng săm đến bốn lần. Hai bạn phải tự mày mò sửa để đi tiếp.
Khung cảnh nên thơ ở Đầm Môn, Khánh Hòa. |
Lần khác, đi từ Bảo Lộc về Sài Gòn gặp mưa bão, Tùng bị mất điện thoại, trong túi hai bạn chỉ còn vỏn vẹn 8.000 đồng, xe máy thì hết xăng mà không biết kêu ai. Tùng kể: "Lúc đó bỗng thấy giữa Sài Gòn rộng lớn ấy, mình bé nhỏ như hạt cát vậy". Cách duy nhất mà Tùng nghĩ ra là lấy điện thoại của bạn, lên mạng nhờ giúp đỡ. Cũng may sau đó được người quen hỗ trợ kịp thời nếu không cả hai bạn chẳng biết nương nhờ vào đâu.
Sự giúp đỡ vô tư từ những người xa lạ
Với Tùng, ấn tượng nhất trong chuyến đi này là lần ra cực Đông - Mũi Đôi, thuộc địa phận xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Ngày hôm đó, Tùng và bạn đi từ 3-4h sáng tới tận tối khuya mà trong bụng chỉ có ngụm nước và mẩu bánh, kèm những cơn mưa tầm tã đến nao lòng, nhụt chí. Đến chiều hai bạn tới điểm gửi xe và bắt đầu đi bộ dù đã rất mệt vì chặng đường dài đi liền một mạch không nghỉ. Thêm vào đó là bãi cát dài, lún cộng với túi đồ đạc thiết yếu cần mang rất nặng, khổ sở nhất là chiếc máy ảnh, chân máy cùng túi lều. Họ tìm đường để tới nhà chú Hai - người dẫn đường ra cực Đông nhưng do lạc đường nên đi mãi không thấy đến. Lúc này trời đã tối, giữa hoang vu chỉ có ánh sáng mờ từ chiếc đèn pin.
Chú Hai, người dẫn đường ra cực Đông đã vô tư giúp đỡ Tùng và bạn đồng hành trong những hoàn cảnh "éo le" nhất. |
Họ bước đi với nỗi lo hiện hữu ngày càng lớn trong lòng, thi thoảng lại thay nhau hú lên để gọi giúp đỡ nhưng không có hồi âm, cuộc nói chuyện cũng phải hạn chế để tránh bị mất sức. Sau đó rất may là chú Hai vô tình phát hiện ra và dẫn Tùng và bạn về nhà. Đến đây, hai bạn mới biết nhà chú làm dịch vụ, nên lúc gia đình dọn cơm thì không ai dám dùng bữa cùng, mặc dù lúc này đã rất đói và mệt.
Tuy nhiên, trước lời mời chân thành và nhiệt tình của chú, Tùng và bạn đã vứt bỏ cái tôi và sự lo lắng thiếu tiền sang một bên, ngồi xuống khua vài vòng đũa sạch bong bát đĩa, hết ráo rọi mọi thứ trên mâm cơm. Ngại vì cô chú và vị khách lỡ bước có mặt hôm đó nhường hầu hết phần cơm cho hai anh em nên Tùng lấy bánh ngọt dự trữ ra chia cho mọi người ăn cùng. Tối hôm đó mọi người nói chuyện cởi mở, dành cho nhau những tình cảm chân thành, giản dị như người thân trong gia đình.
Sáng hôm sau ra bãi Rạng, chú Hai biết hoàn cảnh hai đứa nên không lấy tiền tàu. Khi trở về, cộng tất cả các khoản chi phí, hai bạn vẫn phải thiếu 150.000 đồng. Vợ chồng chú Hai lại thêm một lần nữa miễn không lấy, còn cho thêm hai gói mỳ tôm để ăn chống đói.
Bữa tiệc thịnh soạn trên đường du lịch. |
Trong lúc túi hết tiền, bạn chưa kịp gửi ra, Tùng chưa biết xoay sở ra sao bởi đoạn đường từ nhà chú Hai đến điểm lấy xe phải qua một lần tàu và một lần xe ôm nữa. Giữa lúc tinh thần và thể xác bị ảnh hưởng nhiều bởi chuyện tiền nong thì may mắn lại tiếp tục mỉm cười khi họ được mấy anh chị người Sài Gòn mới quen lúc ra cực Đông chủ động chia sẻ đồ ăn và tặng 100.000 đồng để đổ xăng.
Hơn thế nữa, những người mới quen còn lo lắng đến lúc về Nha Trang không có tiền thuê phòng nghỉ, liền bảo hai bạn cứ về phòng mà họ đã đặt trước mà tắm rửa, nghỉ ngơi rồi đợi tối họ đến nơi sẽ dẫn đi ăn. "Đó thực sự là những kỷ niệm đáng nhớ trong đời về lòng tốt của con người với nhau mà mình và bạn may mắn nhận được", Tùng nhớ lại.
Tổng kết sau chuyến đi
Khép lại chuyến đi với nụ cười, nước mắt, sự cố và cả những may mắn hiếm có, Tùng thấy mình trưởng thành hơn qua mỗi chặng đường, cũng quen thêm được nhiều bạn bè ở khắp ba miền. Điều lớn nhất mà Tùng nhận được sau chuyến đi chính là sự tin tưởng của gia đình bởi cậu đã chứng tỏ được bản lĩnh của một người con trưởng thành, có thể tự vượt qua mọi thử thách để hoàn thành mục tiêu đề ra.
Tùng và bạn đồng hành cùng chia đôi tiền xăng và những phụ phí khác như tiền ăn, nhà nghỉ, vé tham quan... Cộng tất cả vào vừa tròn mỗi người 3.000.000 đồng.
Tùng muốn nhắn nhủ đến các bạn sắp có ý định đi xuyên Việt mà còn e ngại chuyện không có nhiều tiền rằng, ngoài trang bị kiến thức, kỹ năng thì “bạn hãy cứ đi đi, Việt Nam mình là nhà và chẳng có gì là không làm được!”.
Theo Anh Thương - Vnexpress
0 nhận xét: